5 kỹ năng mềm và 4 tư duy cần có của những nhà lãnh đạo trẻ tương lai

Jacob Morgan, một diễn giả nổi tiếng và là tác giả của bốn cuốn sách bán chạy nhất mọi thời đại về lãnh đạo, trải nghiệm công việc, đã chia sẻ rằng: “Những nhà lãnh đạo luôn cần chuẩn bị sẵn sàng để tiếp nối thành công trong một thập kỷ tới”. Vậy những kỹ năng cần thiết nào sẽ dẫn tới thành công cho những lãnh đạo trẻ trong 10 năm tiếp theo? 

Để trả lời câu hỏi này, Jacob Morgan đã phỏng vấn hơn 140 nhà điều hành và hợp tác với LinkedIn để thực hiện khảo sát online hơn 14,000 nhân viên khắp thế giới. Dựa vào kết quả của các buổi phỏng vấn và câu trả lời, Jacob Morgan đã tìm được chín yếu tố cần thiết cho những lãnh đạo trẻ tương lai và ông gọi đó là “The Noble Nine” (tạm dịch: 9 yếu tố “vàng”) bao gồm bốn kiểu tư duy và năm loại kĩ năng. 

4 kiểu tư duy của những lãnh đạo trẻ tương lai

Tư duy của người đam mê khám phá (The Explorer)

Những người ưa thích khám phá luôn tò mò, linh hoạt ứng biến trong mọi hoàn cảnh. Do vậy, giống với tư duy của những người này, những lãnh đạo trẻ cần có tư duy mở, sẵn sàng chủ động tìm kiếm ý tưởng, sản phẩm mới để phát triển nhóm, tổ chức hay doanh nghiệp của mình. Hơn nữa, lãnh đạo trẻ cũng không sợ đối mặt với nguy cơ thất bại, phép thử chính là cách tìm ra câu trả lời đúng về hướng đi cho các leaders. 

Tư duy của người đầu bếp (The Chef)

Nếu như người đầu bếp cần hài hòa gia vị để tạo nên một món ăn ngon thì những người lãnh đạo phải cân bằng hai yếu tố quan trọng nhất của mọi tổ chức: con người (human) và công nghệ (technology). Hai yếu tố này khi được kết hợp sẽ tăng tính hiệu quả và năng suất công việc. Khi lãnh đạo vận dụng tư duy của người đầu bếp, điều đó có nghĩa là họ biết tận dụng công nghệ để giúp doanh nghiệp của mình hiệu quả hơn, giảm bớt công việc mang tính lặp đi lặp lại, giúp nhân viên có thêm thời gian tập trung vào những việc đòi hỏi yếu tố con người nhiều hơn. 

Tư duy của người phục vụ (The Servant)

Những lãnh đạo trẻ tài năng không phải là người ra lệnh, không quan tâm tới các thành viên mà đó những người biết cách tạo mối quan hệ tốt với cấp trên và cấp dưới của mình. Trước hết, người lãnh đạo nên biết cách giữ mối quan hệ tốt với cấp trên để học hỏi kinh nghiệm và nhận sự trợ giúp từ họ. Bên cạnh đó, người lãnh đạo cũng giống như người phục vụ cho chính các thành viên trong đội, nhóm của mình. Lãnh đạo nhận ra những tố chất tiềm năng của thành viên trong team và tạo cơ hội giúp họ phát huy tối đa khả năng của bản thân. 

Tư duy của một công dân toàn cầu (The Global Citizen)

“Công dân toàn cầu” không còn là cụm từ quá xa lạ khi thế giới trở nên kết nối hơn, ngày càng nhiều các bạn trẻ có cơ hội được tham gia các chương trình trao đổi, du học, tiếp xúc với những người trẻ đến từ khắp nơi trên thế giới. Để thành công trong bối cảnh hội nhập, những lãnh đạo trẻ cần rèn luyện tư duy như những công dân toàn cầu. Trở thành một công dân toàn  cầu không có nghĩa là sống hay làm việc ở một đất nước khác mà đó là người có tư duy mở, sẵn sàng hội nhập, làm việc trong môi trường quốc tế. Trong tương lai, những lãnh đạo trẻ ở Việt Nam không chỉ làm việc, hợp tác với công dân trong nước mà còn kết nối với những bạn trẻ đến từ nhiều quốc gia khác nhau. Chính vì vậy, lắng nghe ý kiến và tôn trọng sự đa dạng văn hóa của các thành viên, đối tác là điều vô cùng quan trọng với những lãnh đạo tương lai.  

5 kỹ năng thiết yếu của những nhà lãnh đạo tương lai

Kỹ năng dự đoán, nắm bắt thời cơ (The Futurist)

“The Futurist” nghĩa là người có khả năng nhìn trước tương lai. Trên thực tế, những lãnh đạo tương lai không cần phải có năng lực tiên đoán như những nhà tiên tri, nhưng họ cần có khả năng nhanh nhạy với các xu hướng để cảm nhận những thay đổi sẽ diễn ra trong bối cảnh tương lai. Tóm lại, khi hóa thân thành “The Futurist”, những lãnh đạo trẻ sẽ luôn tìm kiếm cơ hội, cân nhắc mọi khả năng, sẵn sàng thay đổi, đón nhận những thách thức trong thời gian sắp tới.

EQ nhạy bén

Trí tuệ cảm xúc là một trong những kỹ  năng mềm quan trọng đối với những lãnh đạo trẻ tương lai. Robot, tự động hóa có thể đảm nhận một số vị trí công việc, tuy nhiên máy móc sẽ không thể thay thế những công việc như tư vấn, quản lý, …bởi trí tuệ cảm xúc sẽ chỉ có ở con người mà thôi. Do vậy, những lãnh đạo tương lai cần hiểu được tầm quan trọng của EQ, đặc biệt là sự cảm thông và tự nhận thức. Sự cảm thông sẽ giúp lãnh đạo trẻ thấu hiểu, đồng cảm hơn với các thành viên. Bên cạnh đó, khả năng tự nhận thức không chỉ giúp những lãnh đạo quan sát, nhận biết khả năng của từng thành viên mà còn biết được thế mạnh và hiểu rõ bản thân. 

Kỹ năng giao tiếp (The translator)

Không thể phủ nhận rằng, những lãnh đạo giỏi là những người có kỹ năng giao tiếp tốt bởi họ biết cách vận dụng cầu nối thông tin giữa những thành viên, cộng sự trong công việc và truyền đạt thông tin đó một cách rõ ràng và cụ thể nhất. Hơn nữa, biết cách lắng nghe cũng là một kỹ năng quan trọng đối với những lãnh đạo trẻ. Đôi khi cái “tôi” quá cao của người lãnh đạo dễ tạo bức tường chắn, gây ức chế với các thành viên, bởi vậy, kỹ năng lắng nghe sẽ giúp leader và member hài hòa hơn trong công việc.

Kỹ năng truyền lửa (The coach)

Những lãnh đạo trẻ tương lai còn đóng vai trò giống như những huấn luyện viên cho các thành viên trong đội nhóm. Người lãnh đạo cần phải biết cách thúc đẩy, gắn kết các thành viên để tạo nên một team đoàn kết và làm việc hiệu quả. Thông qua những buổi đào tạo nội bộ về kỹ năng công việc hoặc kỹ năng mềm, những lãnh đạo đang trở thành những người truyền lửa cho chính các thành viên trong team. 

Hiểu biết công nghệ (The technology teenager)

Thật vậy, những lãnh đạo không nhất thiết phải học trong lĩnh vực IT hay là một lập trình viên mà điều quan trọng chính là họ có kiến thức nền về công nghệ, hiểu biết chung về xu hướng và áp dụng công nghệ trong điều hành, quản lý đội, nhóm, doanh nghiệp. Công nghệ thông tin luôn gắn liền với sự phát triển của xã hội trong tương lai, do đó, am hiểu về xu hướng, chắt lọc nguồn thông tin chuẩn xác trên Internet là kĩ năng thiết yếu của những lãnh đạo trẻ thời đại 4.0.