Thấu cảm - điều cha mẹ cần có...

Có nuôi con mới hiểu lòng cha mẹ, dù con ở độ tuổi nào cha mẹ cũng luôn có nhiều mối lo lắng, bận tâm‼️
Vậy làm thế nào để cha mẹ có được những phương pháp hiệu quả trong việc nuôi dạy con, cùng anyLEARN tìm hiểu...

Cha mẹ làm sao để luôn thấu cảm con cái?

Chuyên gia Như Thịnh: Trước hết, cha mẹ phải là những người lắng nghe giỏi. Nghe không đơn giản bằng tai mà bằng mắt và bằng tim để các con có thể cảm nhận tình yêu, mong muốn và những điều tốt đẹp muốn dành cho con. Đừng nghe một cách hời hợt, hãy ngồi ngang hàng để nói chuyện với con, luôn nhìn vào ánh mắt con, quan tâm và tương tác đến câu chuyện của con. Cha mẹ hãy luôn để con trình bày hết vấn đề của mình rồi sau đó hãy đưa ra những kết luận và giải pháp tích cực nhất.

Ở mỗi giai đoạn phát triển, con sẽ có những hành vi và phản ứng khác nhau, nhiều khi tất cả chỉ được phát ra chỉ bằng cảm xúc. Thế nhưng, cha mẹ phải biết rằng sự phản ứng và hành động của các con phụ thuộc rất nhiều vào môi trường và hoàn cảnh mà các con tiếp xúc. Ngoài ra, còn phụ thuộc vào cấu tạo não bộ. Vậy nên cha mẹ cần tìm hiểu nhiều hơn, trò chuyện, lắng nghe các con. Đừng để con không dám thể hiện mình, sống trong vỏ ốc của bản thân, chịu tổn thương và tránh hủy hoại bản thân mình.

Ở giai đoạn nào cha mẹ nên bắt đầu uốn nắn con vào những nề nếp và thói quen tốt?

Chuyên gia Như Thịnh: Trong giai đoạn vàng từ 0 – 6 tuổi, cha mẹ nhất định cần uốn nắn và rèn cho con những hành vi, thói quen tốt, những điều nên và không nên. Vì giai đoạn này con như một tờ giấy trắng và con có thể hấp thu tốt những gì cha mẹ nói. Từ 6 – 10 tuổi qua mỗi năm mức độ hiệu quả sẽ giảm dần và sau 10 tuổi khi bước vào giai đoạn dậy thì thì cha mẹ sẽ gặp khó khăn hơn rất nhiều.

Nếu chúng ta có phương pháp dạy con phù hợp, bản thân chúng ta sẽ không thấy áp lực, sẽ hạnh phúc vô cùng và giúp các con phát huy tối đa tiềm năng. Mỗi đứa trẻ là một viên ngọc, quan trọng là chúng ta biết cách để làm nó trở nên khác biệt, tỏa sáng và có giá trị.

Đối với con trẻ có những hành vi sai lệch thì bắt đầu từ đâu và cha mẹ nên làm thế nào?

Những hành vi của con trẻ có thể là bắt chước từ cha mẹ, hoặc là do con nhìn thấy và học theo từ môi trường xung quanh. Vậy nên nếu con cái rơi vào trường hợp như vậy thì cha mẹ trước hết nên nhìn lại chính mình, xem lại môi trường sống của con, bạn bè, lớp học và những người gần gũi bên cạnh. Chúng ta sửa mình chính là cách giáo dục con tốt nhất. Đồng thời, sử dụng sức mạnh của lời nói và sự thấu cảm để thay đổi con mỗi ngày. Tuy nhiên, cha mẹ cũng đừng chỉ tập trung vào kết quả, hãy tập trung vào quá trình và ghi nhận sự cố gắng, nỗ lực và những thay đổi của các con qua từng ngày.

Làm sao để cha mẹ có thể đồng hành và nuôi dạy con một cách tốt nhất?

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung: Để dạy con một cách tốt nhất, cha mẹ trước hết cần dạy mình. Dạy mình cách đặt vào tâm thế để hiểu con. Học cách kiên nhẫn hơn với con. Nhớ mình cũng từng đã sai, đã mắc lỗi, cha mẹ cũng từng rất kiên nhẫn với chúng ta. Đồng thời, đặt cái tôi của mình xuống, lắng nghe con và thừa nhận sự nỗ lực của con.

Làm sao để tạo động lực cho các con?

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung: Lời nói có sức mạnh rất lớn. Tôi vẫn luôn nói nói cha tin con làm được với các con của mình trong mọi trường hợp dù chính bản thân mình vẫn còn có sự ngại ngần. Và khi nói như vậy, bản thân mình phải thể hiện được sự chắc chắn, niềm tin và tránh sự hời hợt. Kết quả dù như thế nào cha mẹ cũng đừng tỏ ra thất vọng mà vẫn dành cho con sự động viên. Cha mẹ đừng bao giờ làm mất đi ngọn lửa, sự cố gắng và động lực của các con.

Cha mẹ muốn giữ sợi dây kết nối với các con thì những điều quan trọng là gì?

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung: Trong việc nuôi dạy con, tôi cũng đã từng sai rất nhiều lần. Nhưng dần dần suy ngẫm, nhìn nhận và có sự thay đổi. Cha mẹ luôn cần nói chuyện với con. Để biết con muốn gì và cả chia sẻ mong muốn của mình cho các con. Từ việc thấu hiểu, sau đó mình sẽ biết vấn đề để tìm cách điều chỉnh.

Cha mẹ cần đặt mình trong cảm xúc của các con. Bản thân chúng ta cũng từng là những đứa trẻ, chúng ta nên dùng cái đầu của người lớn để dạy con nhưng hãy đánh giá con bằng với chính mình khi ở độ tuổi đó. Hãy cho con biết con đã tiến bộ như thế nào, hãy luôn luôn công bằng và có sự khích lệ con. Khi con thấy mình công bằng, có sự thấu hiểu thì con sẽ có sự tin tưởng dành cho mình, trong trường hợp cần người tư vấn sẽ tìm đến mình. Như vậy, cha mẹ và con cái sẽ giữ được sợi dây kết nối. Đừng bao giờ để cảm xúc bộc phát. Nếu không kiểm soát được cảm xúc, luôn ở trạng thái nóng giận, bực tức thì chính bản thân chúng ta sẽ mệt mỏi và con sẽ là người buồn nhất.

Anh s nghĩ như thế nào về việc áp đặt nghề nghiệp cho các con?

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung: Xã hội ngày càng phát triển, càng nhiều nghề nghiệp được mở rộng và nó thực mang đến giá trịcho xã hội và mang đến cho các con sự ghi nhận và cả lợi ích. Những nghề nghiệp trước đây cha mẹ nghĩ là sẽ đảm bảo cuộc sống cho các con nhưng chưa chắc đã mang đến những kết quả tốt nhất.

Đặc biệt là khi con không có đam mê, không có năng khiếu trong lĩnh vực đó thì mọi thứ càng trở nên khó khăn hơn và các con sẽ không cảm thấy hạnh phúc. Tôi thì vẫn luôn nhìn vào mong muốn và khả năng của các con để có sự định hướng phù hợp. Để phát hiện sớm năng khiếu và có sự định hướng cho con thì mình cứ chơi với con nhiều, nói chuyện với con nhiều sẽ biết được thôi.

Điều cha mẹ ngày nay thường gặp phải và gây nên khó khăn trong việc dạy con?

Chị Thùy Khanh: Đó là cha mẹ quá bận rộn, không dành thời gian để ở bên cạnh con, cùng học, cùng chơi và cùng nói chuyện để hiểu được suy nghĩ, cảm xúc của con. Từ đó tạo nên những rào cản và khiến việc kết nối giữa cha mẹ và con cái trở nên khó khăn. Con có sự thay đổi mà cha mẹ không biết và không ở bên cạnh cùng con giải quyết vấn đề. Thời điểm giãn cách này là thời điểm cha mẹ gần con nhất, vậy nên cần nhìn lại tình cảm, cố gắng kết nối để có sự thấu hiểu của mình đối với con.

Làm sao để kiềm chế cảm xúc của mình khi con có những hành vi, lời nói, phản ứng không đúng mực?

Chị Thùy Khanh: Là cha mẹ chắc ai cũng đã có những lần mất kiểm soát, nhưng khi xem xét lại không ít cha mẹ sẽ cảm thấy thương con, cảm thấy mình đã sai. Các con chỉ là những đứa trẻ, có thể sẽ sai, có thể sẽ nhanh quên, có thể sẽ vô ý. Vậy nên cha mẹ cần kiên nhẫn, cần bao dung để từ đó dành thời gian xem xét, lắng lòng xuống và tìm hiểu nguyên nhân, lý do. Vì chúng ta đều biết sự nóng giận, bộc phát thiếu suy nghĩ sẽ đem lại những kết quả không tốt.

Xem chi tiết tại: 

https://youtube.com/watch?v=MAi-gBY1kKA&feature=share