Làm sao để phát triển trí thông minh cho con trẻ bằng âm nhạc và ngôn ngữ?

Mời quý phụ huynh cùng tìm hiểu qua những chia sẻ của Nghệ sĩ Mai Thanh Sơn - Giám đốc Học viện Âm nhạc Artiste - Giảng viên Khoa Âm nhạc Truyền thống Nhạc viện TP.HCM và MC Xuân Hiếu - Founder &CEO Công ty TNHH Truyền Thông An Group.

Âm nhạc kích thích sự phát triển của con trẻ như thế nào và tại sao nên cho trẻ em học âm nhạc ngay từ nhỏ?

Âm nhạc là cách rèn luyện não bộ rất hiệu quả. Khi chơi một loại một nhạc cụ, đặc biệt là một loại nhạc cụ khó thì cả hai bán cầu não và các giác quan sẽ hoạt động. Ngoài thị lực hoạt động khi nhìn bản nhạc, tai phải nghe, tay phải đánh, thì toàn bộ cơ thể chúng ta đều vận động một cách rất tập trung, có ý thức và chủ động. Não bộ còn tiết ra hocmone giúp con người cảm thấy hưng phấn với những đoạn nhạc hay. Như vậy, âm nhạc kích thích não bộ và cơ thể của con người hoạt động một cách triệt để và toàn diện.

Ngoài ra, âm nhạc còn có nhiều tác dụng khác, nó giúp ích cho cả ở việc học văn hóa ở trường. Bởi vì, học nhạc đòi hỏi sự tập trung, yêu cầu tính kỷ luật, đồng thời tạo cho trẻ sự tự tin khi đứng trước tập thể để thể hiện, khẳng định được cá nhân mình và nuôi dưỡng tâm hồn của con trẻ. Đó là là lý do tại sao chúng ta nên cho trẻ em học nhạc ngay từ nhỏ.

Làm sao để nhận diện và biết trẻ có năng thiếu âm nhạc?

Để thực sự biết trẻ có năng khiếu âm nhạc đến đâu, từ đó đầu tư, lựa chọn và định hướng lâu dài thì cần có những bài kiểm tra năng lực. Tuy nhiên, ba mẹ có thể nhận biết được con trẻ yêu thích, hứng thú mức độ nào với âm nhạc bằng cách cho con nghe nhạc thường xuyên, quan sát phản xạ, sự tương tác của con mình đối với các thể âm nhạc. Đồng thời, việc nghe nhạc thường xuyên trong gia đình với cường độ âm thanh vừa phải sẽ tạo nên quá trình thẩm thấu từ từ, giúp con biết được, nghe được, nhớ được một cách thụ động cũng rất tốt cho việc học nhạc sau này.

Xây dựng quá trình học âm nhạc như thế nào để đạt hiệu quả?

Học âm nhạc đòi hỏi quá trình dài hơi. Người giảng viên dạy nhạc cho con trẻ rất quan trọng. Đàn như thế nào là hay, âm nhạc như thế nào là đẹp, từng chuyển động như thế nào khi chơi nhạc để tạo được sự cuốn hút đều được bắt nguồn từ người thầy, đặc biệt là khi trẻ mới đến với việc học nhạc.

Người thầy cần có kiến thức, có trải nghiệm và được đào tạo bài bản để có thể truyền tải đến người học. Vì vậy phụ huynh cần tìm đúng thầy, đặt niềm tin đúng chỗ để giúp con trẻ xây dựng lộ trình, đi từ thấp đến cao. Cần tránh tư duy học âm nhạc ngắn hạn và người dạy thiếu chuyên môn, tạo sự thất vọng làm ảnh hưởng đến đam mê và tình yêu đối với nghệ thuật của người học nhạc, đặc biệt đối với trẻ em.

Ngoài ra, cần có môi trường, có không gian âm nhạc kích thích sự sáng tạo. Tạo cho con trẻ sự kết nối, tương tác với những bạn học khác. Từ đó tạo nên yếu tố cộng đồng trong âm nhạc, cho con biết cách tương tác và làm việc nhóm.

Làm như thế nào để cho con học xuyên xuốt, lâu dài một môn âm nhạc?

Làm như thế nào để cho con học xuyên xuốt, lâu dài một môn âm nhạc?

1. Phải có môi trường, bao gồm yếu tố gia đình, bố mẹ thật sự muốn cho con lâu dài.

2. Xác định tâm lý cho con, môn học giúp ích gì cho con, việc học âm nhạc sẽ mang lại điều gì cho con

3. Cho con được tiếp xúc với âm nhạc, với nhiều thể loại khác nhau, để xem con thích loại nhạc cụ, dòng nhạc nào. Nếu con thích thì nên cho con học không nên bắt ép.

4. Tạo cho con trách nhiệm, nghiêm túc với việc học tập, mong muốn đến giờ để được học

5. Duy trì và luyện tập dài hạn, không nên ngắt quản. Âm nhạc phải được nuôi dưỡng dài hạn.

6. Khuyến khích con có các hoạt động để thể hiện ra bên ngoài. Không chỉ thể hiện được tài năng của con mà còn tạo động lực để con tiếp tục với những cột mốc tiếp theo, tự tin, kết nối bạn bè quốc tế.

Phát triển trí thông minh ngôn ngữ của trẻ bằng cách nào?

Ngay khi con trẻ còn trong bụng, ba mẹ nên nói chuyện với các con. Và duy trì cho đến khi con lọt lòng và cả quá trình sau này. Ba mẹ nên tạo thói quen trò chuyện, thủ thỉ với con, trong mọi hoạt động thay đổi trạng thái, liên quan đến con trẻ dù ở độ tuổi nào cũng cần đưa ra thông báo, nói chuyện để trẻ biết và tạo nên nhận thức.

Trong quá trình phát triển của con, đặc biệt trong giai đoạn từ 0 – 6 tuổi, ngoài việc trò chuyện với con, ba mẹ nên đọc sách, cho con xem các chương trình hay, học ở những ứng dụng học tập phù hợp với độ tuổi sẽ giúp con phát triển ngôn ngữ tốt hơn, tự tin hơn và chủ động hơn.

Khi con có những biểu hiện chậm nói, nói ngọng, phát âm không chuẩn thì nên làm sao?

Trường hợp sớm, trẻ từ khoảng tháng thứ 9 có thể nói phát ra âm thanh ngôn ngữ nói. Trễ hơn đối với bé gái khoảng 16 tháng, bé trai là 18 tháng. Nếu sau khoảng thời gian này (tầm 20 - 24 tháng) ba mẹ cần tìm hiểu nguyên nhân, nhờ đến sự hỗ trợ của bác sĩ, y tế.

Trường hợp khi thấy thấy con nói ngọng, phát âm sai, ba mẹ nên nói chậm lại, rõ hơn và cho con thấy khẩu hình miệng khi phát âm. Dần dần, có thể điều chỉnh giúp con nói tròn trịa hơn.

Nên kích hoạt khả năng ngoại ngữ của con ở độ tuổi nào?

Từ 3 – 6 tuổi, khả năng ngôn ngữ của trẻ rất nhạy. Đây cũng là thời điểm thích hợp để ba mẹ cho trẻ học ngoại ngữ, kích thích tư duy và khả năng học tập, yêu thích ngoại ngữ của các con.

Cho trẻ tiếp xúc và học sớm, học một cách tự nhiên và chủ động, không bắt ép. Ngoài môi trường gia đình, ba mẹ cần chọn lựa những chương trình hợp, nền tảng, lớp học chất lượng để đảm kết quả tốt nhất.