Sức mạnh của “giáo dục khai phóng” và “thực học” từ những chia sẻ của Nhà giáo dục Giản Tư Trung

anyLEARN đúc kết từ những chia sẻ của Nhà hoạt động Giáo dục Giản Tư Trung - Hiệu trưởng Trường Doanh Nhân PACE; Viện trưởng Viện Giáo dục IRED; Phó Chủ tịch Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh. Ông chính là người đã gắn bó cuộc đời mình với sự học khai phóng.

 

Giáo dục khai phóng - khai mở tâm trí

Từ khai phóng trong tiếng Việt gần với sự khai sáng. Khai phóng có thể hiểu là: Khai minh và giải phóng. Khai là mở và minh là sáng. Con người sinh ra vốn dĩ “tăm tối”, nên cần được đưa ánh sáng vào để làm cho mình “sáng” ra. Ánh sáng đó chính là chân lý, tự do và sự thật. Nếu con người không được khai minh thì sẽ tối bền vững. Ngược lại, khi được khai minh, con người sẽ nâng cao khả năng minh định của mình, khi đó sẽ minh định được ai là ai, cái gì là cái gì và mình là ai; minh định được đúng-sai, phải-trái, chân-giả, thiện-ác, chính-tà trong cuộc sống và trong thế giới của mình. Còn giải phóng là hệ quả tất yếu của khai minh, vì chẳng có ai được khai minh mà lại không giải phóng mình ra khỏi vô minh, giáo điều, ấu trĩ, tăm tối, ngộ nhận và lệch lạc…

Nghĩa thứ hai của khai phóng là khai mở tâm trí và giải phóng tiềm năng của mình. Khai mở tâm trí để có một cái đầu sáng nhằm có thể minh định được con đường đúng cùng một trái tim nóng để thôi thúc hành động. Khi tâm trí khai mở, việc phát huy hết tiềm năng để thăng hoa trong công việc và cuộc sống là điều hiển nhiên.

Sự học khai phóng quan trọng hơn là nhìn vào chính mình, hiểu được mình và sửa mình. Cũng như không phải tạo nên những con người với “cái đầu đầy” mà hướng đến  con người với “cái đầu mở”.

Cách mạng sự học

“Cách mạng giáo dục” là một con đường dài, mang tính vĩ mô, là việc của cả một đất nước. Chúng ta có thể quan tâm những điều lớn lao, nhưng hãy bắt đầu với những gì mình có thể. Với cá nhân mỗi người, thay vì nghĩ đến “cách mạng giáo dục”, nên nghĩ đến “cách mạng sự học”. “Cách mạng sự học” là cuộc cách mạng riêng của mỗi người, do chính mỗi người và vì chính mỗi người. Khi một người muốn thay đổi mình thì không có cách nào khác ngoài việc thay đổi sự học của bản thân. Mỗi người biết làm “cách mạng sự học” thì tất yếu sẽ thay đổi “cách mạng giáo dục”.

Khi thay đổi sự học, cần quan tâm đến sự học khai phóng. Vì nếu chỉ thay đổi sự học thông thường mà không phải sự học khai phóng thì đó chỉ là sự thay đổi ở trên ngọn. Không phải là sự thay đổi căn cơ mang tính định hình và thay đổi con người. 

Sự học khai phóng gắn với thực học

Ngày nay, ai cũng đi học, trẻ em học từ sáng đến tối, đầu tuần đến cuối tuần. Người lớn thì nhiều người sở hữu tấm bằng đại học, thạc sĩ, nhưng thực chất học nhiều nhưng thực học lại chưa nhiều. Bằng cấp trở nên đại trà, không phản ánh được năng lực và không đủ lợi thế cạnh tranh. Chỉ khi có thực học mới có thực lực, có thực làm và tạo ra giá trị thực. Còn khi không thực học dẫn đến những giá trị bị ngụy tạo, con người “sống ảo” nhiều hơn.

Thực học hướng đến 4 khía cạnh để tạo nên một con người tổng thể. Đó chính là: Trí tuệ - Thân thể - Tâm hồn - Tinh thần. Nếu sự học không hướng đến bốn 4 yếu này thì không phải thực học. 

Động lực để có thể bắt đầu thực học đến từ đức tin. Nếu như có đức tin về sự thay đổi số phận, thay đổi cuộc sống của mình, biết đích đến của sự học là gì thì sẽ tạo nên động cơ để học và tìm được cách học hiệu quả đối với mỗi cá nhân. Và thực học chính là gốc rễ của cách mạng giáo dục.

Học để làm gì? 

Mỗi người phải xác định được mục tiêu của việc học. Học để biết (Learning to know) những gì đang diễn ra, phục vụ cho cuộc sống của mình. Học để sống (Learning to leave) với những gì mình biết, mình cho là lẽ sống. Học để trở thành (Learning to be) con người mình muốn, sống cuộc đời mình muốn sống.

Nếu muốn thành công phải có giá trị. Khi học chuyên môn sẽ có cái nghề, học kỹ năng giúp nâng cấp bản thân, học văn hoá giúp con người có được cái gốc rễ và tạo nên cái tầm. Thực học phải bao gồm tất cả những yếu tố đó. 

Khi hướng tới sự học, con người sẽ có 03 mục tiêu: Học để có bằng và làm trong lĩnh vực mà mình đã học (Learn to get degree); Học để trở thành một chuyên gia (Learn to be professor) sở hữu kiến thức chuyên môn sâu hơn và làm mọi việc thuận lợi hơn; hay Học để trở thành người giải quyết vấn đề (Learn to be a problem solver). Khi xã hội, các tổ chức, mỗi gia đình và mỗi quốc gia có rất nhiều vấn đề cần giải quyết, khi giải quyết được vấn đề, con người mới có giá trị. 

5 con đường đi đến sự khai sáng

Chân lý không thuộc về số đông, chân lý không thuộc về kẻ mạnh, chân lý thuộc về những người có hiểu biết. Có 5 con đường để bạn đi đến sự khai sáng đó là: Sách; Thầy; Trải nghiệm - Trả giá; Người có ảnh hưởng với bạn và Internet. Và để thực sự đi đến được với sự khai minh, bạn cần có khả năng minh định đúng - sai; thật - giả; thiện - ác… để gạn đục khơi trong và đi đúng đường.

Vai trò của những người thầy trong giáo dục Người thầy trong giáo dục hiện nay không phải là người xác lập chân lý cho học trò mà là cùng nhau đi tìm chân lý và chia sẻ góc nhìn. Khi có nhiều góc nhìn, đầu trở nên sáng, tâm thêm thiện lương, việc quyết định vấn đề sẽ khác. 

Trong cuộc sống có nhiều người thầy và đem lại những giá trị khác nhau. Người thầy bình thường sẽ chia sẻ tất cả kiến thức mà mình có cho học trò. Người thầy giỏi thì lại không chia sẻ nhiều kiến thức, mà chia sẻ cách học, đưa học trò đến biển lớn. Còn người thầy lớn sẽ giúp học trò có động cơ, động lực để học. Và người thầy vĩ đại sẽ làm được công việc của người thầy lớn, nhưng không chỉ trong phạm vi một lớp học, mà trong phạm vi xã hội, cộng đồng, đất nước.

Quan trọng hơn là “giáo dục tự thân”

Về cơ bản có hai loại giáo dục. Đó là sự giáo dục đến từ những người bên ngoài và sự giáo dục đến từ chính mình. Sự giáo dục người ta trao cho mình đóng một vai trò rất nhỏ, dù người thầy, người trao đó vĩ đại đến như thế nào.

Còn giáo dục tự thân hay có thể gọi là tự lực khai phóng lại đóng vai trò lớn hơn rất nhiều lần. Tự lực không phải không cần đến sự giúp đỡ của người khác, mà vẫn rất cần, rất biết ơn nhưng không có trông chờ, ỷ lại vào những sự giúp đỡ đó. Tự lực tự cường, khai mở tâm trí và giải phóng tiềm năng của mình. Tự lực dẫn đến thực học và khai phóng bản thân.

Vậy nên, một trong những người thầy hiệu quả nhất chính là bản thân mình, học từ sai lầm mắc phải trong quá khứ, học từ hành trình mình thấu hiểu bản thân và thay đổi bản thân.

Nguồn: Biên tập từ những chia sẻ của Nhà giáo dục Giản Tư Trung